Câu hỏi: Những Thuận Lợi Và Khó Khăn Khi Du Học Tại Đài Loan ?
Trả lời: Chúng ta sẽ thử cùng nhau điểm qua những thuận lợi và khó khăn mà bạn có thể sẽ gặp khi chọn học tại Đài Loan:
A. Khó khăn:
- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính ở Đài Loan là tiếng phổ thông Trung Quốc nên những ai học chuyên môn bằng tiếng Anh (thường là không biết tiếng Hoa) sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong thời gian đầu học tập ở Đài Loan. Nhiều trường ở Đài Loan có chương trình tiếng Anh nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể học toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh. Vì vậy việc tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo, lựa chọn trường đặc biệt quan trọng đối với các du học sinh. Để có thông tin cụ thể, tốt nhất hãy hỏi trực tiếp trường mà bạn định nộp hồ sơ học hoặc hỏi các sinh viên đang học ở đấy. Ngoài học tập, việc không biết tiếng Hoa cũng sẽ khiến bạn gặp một số khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Rào cản ngôn ngữ tuy khó khăn nhưng cũng không đến nỗi quá khó, ngược lại môi trường ngôn ngữ này cũng chính là một thuận lợi cho những người biết phát huy.
- Ẩm thực: Đa số người Việt Nam không thích thức ăn Đài Loan vì thức ăn ở đây thường nhiều dầu mỡ và nhạt. Các món ăn phổ biến ở Đài Loan là gà tẩm bột chiên, thịt heo tẩm bột chiên, cá tẩm bột chiên, trứng chiên (ốp la), cơm chiên … nói chung cái gì cũng đưa vào chiên với dầu mỡ. Đặc biệt là các món xào (rau xào, mì xào, . . .) thường rất nhiều dầu mỡ.
B. Thuận lợi
- Chất lượng giáo dục: các trường đại học ở Đài Loan, đặc biệt các trường hàng đầu, có vị trí không hề khiêm tốn trong khu vực và trên thế giới. Trong khi Việt Nam chưa có trường nào lọt vào top 100 trường Đại học tốt nhất thế giới thì Đài Loan đã góp mặt 4 trường đó là National Taiwan University, National Cheng Kung University, National Tsing Hua University, National Chiao Tung University. Việc so sánh chất lượng giữa các trường đôi khi chỉ đúng ở một khía cạnh nào đó nhưng tôi có thể khẳng định là đội ngũ giáo sư, nguồn tài liệu, thiết bị, điều kiện làm việc, sự hỗ trợ của giáo sư và nhà trường ở Đài Loan cực tốt, không thua kém các nước tiên tiến. Ở Đài Loan các giáo sư thường tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc mới có thể trở thành giáo sư đại học, nhất là đối với các trường đại học hàng đầu. Sách vở tài liệu trong thư viện rất phong phú, số lượng tạp chí mà trường mua bản quyền rất nhiều nên hầu như các sinh viên chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu chuyên ngành. Thiết bị thí nghiệm, thực hành đáp ứng được yêu cầu công việc và bạn có thể vào LAB làm việc bất cứ lúc nào bạn muốn. Giáo sư hỗ trợ rất nhiều trong việc mua sắm thiết bị, phần mềm phục vụ cho việc nghiên cứu trong khi trường hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo quốc tế.
- Học phí và sinh hoạt phí: học phí và sinh hoạt phí tại Đài Loan dễ chịu hơn nhiều so với nhiều nước khác. Nếu bạn phải tự túc chi phí học tập và sinh hoạt thì mỗi năm cũng không vượt quá 2500 USD. Vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng chỉ đắt hơn ở Việt Nam khoảng 1,5 lần.
- Học bổng: Đài Loan đang trong quá trình quốc tế hóa giáo dục nên cấp học bổng khá nhiều cho sinh viên nước ngoài. Một trong những học bổng tốt nhất là học bổng của chính phủ Đài Loan với mức 30.000NT/tháng (khoảng 20.000.000 VND) kéo dài 3 năm cho tiến sĩ và 2 năm cho thạc sĩ.
- Tuyển sinh: Trong những năm qua Đài Loan đang cố gắng thu hút sinh viên nước ngoài nên sinh viên quốc tế tham gia học tập tại trường khá được ưu ái. Tiêu chí tuyển sinh đầu vào cũng vừa phải chứ không quá khắt khe, có lẽ là dễ hơn so với sinh viên bản địa.
- Môi trường: Đài Loan là đất nước thanh bình và an toàn. Ở Đài Loan, bạn có thể lang thang ở những chỗ vắng vẻ vào bất kỳ giờ nào mà không cần phải lo lắng. Trong suốt thời gian học tại đây tôi chưa hề thấy một vụ gây gổ nào chứ đừng nói đánh nhau. Nhiều người ở Đài Loan hơn chục năm cũng xác nhận điều này. Đài Loan có khá nhiều cây xanh, không khí trong lành, ít bụi, không ồn ào, khí hậu rất dễ chịu.
- Con người: Người Đài Loan thân thiện, dễ mến, tốt bụng và có văn hóa khá cao nên bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi ở đây. Ví dụ, người Đài Loan thường xếp hàng một cách trật tự chứ không chen lấn, xô đẩy. Ý thức của người Đài Loan cực cao, xã hội không hề có khái niệm gửi xe, thời gian đầu tôi đến Đài Loan cũng hơi bất ngờ, toàn bộ xe máy, xe đạp sau khi đi về đều dựng ở ngăn nắp ở lề đường, hôm sau ra vẫn còn nguyên trạng, thậm chí tuần sau hay tháng sau quay lại vẫn vậy. Các cửa hàng mở từ 8h sang đến 10h đêm và hầu như chẳng cần phải có bảo vệ, khách hàng lựa chọn thoải mái và đem vào quầy thu ngân đứng sắp hàng tính tiền. Các quán ăn rất ít phục vụ nhưng vẫn gọn gàng và ngăn nắp, thực khách sau khi ăn sẽ tự ý thức mang đồ ăn thừa đổ vào thùng và xếp mọi thứ trên bàn ăn gọn gàng trước khi bước ra khỏi quán.
- Ẩm thực: dân số Đài Loan đa phần là người Hoa nên họ cũng thừa hưởng nền ẩm thực phong phú của Trung Quốc. Dẫu thức ăn khá nhiều dầu mỡ nhưng dẫu sao bạn vẫn có thể ăn cơm, không phải suốt ngày ăn bánh mì, khoai tây chiên với bơ sữa như ở châu Âu, Mỹ, . . . Nếu bạn thích khám phá và trải nghiệm với các món ăn, hẳn bạn sẽ không thất vọng với các món ăn ở đây.
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi vừa là rào cản vừa là thuận lợi cho sinh viên vì yêu cầu tiếng Anh khi xét tuyển không cao. Điều này thực sự là một thuận lợi không nhỏ đối với nhiều du học sinh mà tiếng Anh chưa thật tốt. Ngoài ra, vài năm học tập ở Đài Loan là cơ hội rất tốt để bạn học thêm 1 ngôn ngữ nữa.